ĐỀN THỜ VUA CHĂM PÔNIT

Ðền thờ vua Chăm Pô Nít được người Chăm xây dựng giữa thế kỷ XVII với lòng kính trọng và biết ơn vua có nhiều cống hiến cho đất nước. Ðền thờ tọa lạc trên ngọn một đồi cát cạnh dòng sông Cái (đoạn nối dài của sông Lũy) đền thờ có dạng như đền thờ Pôklong MơhNai. Do chiến tranh ác liệt và để tiện việc thờ cúng Ngài, trong kháng chiến chống Mỹ đền thờ được dời về vị trí hiện nay thuộc làng Thanh Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết 68 km về phía Bắc.

Ðền thờ xây dựng để thờ Vua Pô Nít và hai Bà Hoàng Hậu Việt – Chăm một gian khác thờ một vị tướng, còn bên ngoài thờ hai dãy tượng Kút lớn ở về bên Tả và bên Hữu của đền thờ.

Vua Pô Nít lên ngôi từ 1603 – 1613 sau đó nhường ngôi cho em trai là Pô Chài Pran, tổng thể ngôi đền giống như ngôi chùa người Việt. Gian thờ trung tâm đặt tượng Vua Pô Nít – do xuất thân từ một vị tướng nên pho tượng thể hiện tính oai phong cứng rắn, pho tượng lớn như tượng Pôklong MơhNai, ngồi trên một bệ đá có rảnh và phểu, lưng tựa vào một bệ đá được chạm trổ điêu khắc tỉ mỉ, đường nét của pho tượng và những bộ phận hợp thành tạo nên tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. Trên thực tế là bệ thờ Lin ga – Yoni cách điệu (trừ phần thân và đầu của pho tượng).

Gian thờ bên cạnh có cửa trổ thông với gian thờ nhà Vua, là nơi đặt tượng Bà Hoàng Hậu người Chăm Pô Mứk Chà, tượng bà Hoàng Hậu người Việt (con của một vị chúa Nguyễn) cùng một số tượng Kút khác tượng trưng cho người đã khuất trong Hoàng Tộc. Có một gian thờ tách biệt để thờ một phiến đá tượng trưng cho vị tướng tài Pô Kay Mách người Hồi giáo.

Bên ngoài có nhiều tượng Kút lớn bằng đá tượng trưng cho những người trong Hoàng tộc với những chi tiết, hình dạng khác nhau của những người được thờ phụng, nhưng tất cả đều là những tác phẩm điêu khắc có giá trị lịch sử – nghệ thuật.

Ðền thờ Pô Nít nhìn dưới góc độ kiến trúc thì giống như ngôi chùa, nhưng đối lập với kiến trúc, bên trong nội dung thờ phụng, tượng thờ, nghi thức không kém gì về nội dung của những thời kỳ hưng thịnh của người Chăm trước kia.

Rất nhiều nghi thức, lễ hội được tổ chức quanh năm tại đền thờ. Ðáng chú ý là tết Katê vào đầu tháng 7 Chăm lịch, ngày đầu năm mới dân làng tập trung làm lễ dưới sự điều hành, chủ trì của những người có uy tín trong giới chức sắc tôn giáo, để từ điểm xuất phát này, người ta rước y phục của nhà Vua, cùng những báu vật của nhà Vua để lại và một số sắc phong của các Vua Triều Nguyễn ban tặng ra đền thờ. Ðoàn rước có một đội múa với trang phục rực rỡ, đặc sắc của lễ hội, vừa đi các thiếu nữ vừa hát, múa điệu múa dân gian truyền thống. Tại đền thờ tất cả các pho tượng được tắm rửa, mặc áo quần và sau đó là các nghi thức lễ quan trọng diễn ra do các vị chức sắc chủ trì thực hiện, trong đó có những nghi lễ thuộc về văn hóa phi vật thể có nhiều giá trị được lưu giữ từ hàng trăm năm trước.

Ðền thờ đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử – nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2000.

 

Bình luận về bài viết này